Tính tò mò

Một trong những bản tính tôi thấy hay hay và thấy ghét cùng một lúc ở con người đó là bản tính tò mò, vậy nên viết về nó một chút chắc cũng vui.

Tại sao lại nói về sự tò mò? Chắc phải quay lại cuộc nói chuyện với một thằng bạn cách đây vài tuần, tán dóc với nó thì nhiều chủ đề, từ đá banh, game cho tới Vật lý lượng tử, lỗ đen rồi dark matter… trong một lần thảo luận thì có một câu là “tố chất của dân nghiên cứu là gì?”. Lúc đó chưa nghĩ ra nhưng sau vài tuần, trong lúc đang ngồi gõ mấy cái code thì bỗng sực nghĩ ra, có phải bản tính tò mò là một trong những đức tính cần thiết không?

Tôi không thích người tò mò chuyện của người khác. Hồi nhỏ nhà có người qua chơi, nó qua cứ dòm hết phòng này tới phòng khác một cách soi mói, tôi không thích thế, tôi cũng ghét những người ở chỗ làm khi tạt qua cứ dòm vào màn hình máy tính người khác, và rồi những người tôi khoe hình trên điện thoại cứ quẹt qua để xem có tấm hình nào khác không (có thằng xúi dại là chụp dis mày để trong máy, đứa nào coi thấy thì đáng kiếp, nghe cũng vui nhưng thôi không liên quan ở đây). Tuy nhiên, khi làm một việc gì đó, không hẳn là nghiên cứu, tò mò nó là nguồn cơn của sự muốn tìm hiểu và muốn khám phá một cái gì đó, và nó là một trong những thứ tạo nên động lực – motivation. Làm một việc gì không chỉ khó ở việc duy trì, mà khó ở việc bắt đầu làm nữa (giống như làm ai đó thích mình thì ấn tượng ban đầu khá quan trọng), tò mò sẽ giúp người ta (thỉnh thoảng) vượt qua cơn lười biếng mà bắt tay vào làm một cái gì đó. Nó cũng làm cho người ta có một sự thích thú ban đầu nữa, mà cái thích thú làm một cái gì đó thì không ai có thể bắt bẻ được: “Tại sao anh lại làm như vậy?”, “Tại vì tao thích!”. Im luôn. Không phải vô lý mà bao giờ người ta cũng đòi một cái gọi là motivation của mình khi làm một cái gì đó, dịch là động lực nghe sát nhưng chưa hay lắm, nhưng động cơ thì cũng hơi sai sai, có gì mờ ám, mặc dù có gì mờ ám thật, và chút giả dối nữa. Những động lực như vậy, muốn có thì phải tò mò trước đã.

Với những đứa con nít, tụi nó sẽ thắc mắc vì có quá nhiều điều mới lạ, tụi nó sẽ tìm cách mở ra, tháo tung tất cả chỉ để coi tại sao lúc bật cái nút đó lên thì robot lại quay tít và phát sáng loạn xạ, hay tầm 2 3 tuổi thì bố mẹ cô dì chú bác sẽ bị tụi nó xoay vòng với những câu hỏi ‘tại sao’ (Rất nhiều, bộ sách Hãy trả lời em tại sao? có tới 10 tập nhưng vẫn chưa giải thích hết những thắc mắc của tôi, hay cuốn 10000 câu hỏi tại sao? cũng thế). Những hành động tưởng như phá hoại đó lại là nguồn cơn để tụi con nít tưởng tượng, khám phá, và làm cho tụi chúng nó thông minh lanh lợi hơn. Lớn lên con người ù lỳ đi, không chịu tìm hiểu nữa và dễ dàng chấp nhận một cái gì đó, họ mua iPhone chụp hình chứ cũng chả quan tâm cái cảm biến nó làm việc ra sao, hay tại sao hồi xưa điện thoại HP cũng là cảm ứng nhưng phải dùng bút hay cái que gì đó chọc chọc, giờ thì dùng ngón tay là OK, hay tại sao bút Samsung chọt lên iPad nó không chịu nhận…

Tất nhiên tôi không nói học hỏi chỉ cần mỗi tính tò mò, phải có trăm kĩ năng khác nữa, khả năng tự đọc hiểu, tìm thông tin, lọc thông tin. Chứ tò mò mỗi kiểu “người ta trồng lúa như thế nào?”, “Tại sao nhân loại lại đi đến tình cảnh này…?”. Wikipedia và rộng hơn là Google đầy ra đó, thậm chí còn có thể bỏ ra vài trăm nghìn làm cái thẻ thư việc vào đọc tẹt ga ghi chép thoải mái. Nhiều thứ khác nữa, đó là những kĩ năng quan trọng. Sách cũng nhiều, người hiểu biết cũng nhiều.

Vì một thế giới không sâu răng!

[*] Một cái nên nói nữa là tò mò không phải là thích coi chuyện của người khác, rất tiếc cho những ai dùng cái sự tò mò vào chuyện đọc đời tư của một ai đó rồi tốn mấy tiếng đồng hồ đọc mấy tin tức như vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.