All posts by admin

Có nên viết tiếp hay không

Bao giờ bắt đầu viết một bài gì tôi luôn tự nhắc mình là tôi không giỏi văn, nên không phải viết để mong đợi có một bài cực hay, hay là một bài với nội dung cực kì hữu ích… Nah, viết chỉ vì muốn viết, lâu lâu thêm vài câu đùa giỡn có nó thỏa chí hài độc thoại (người ta chuyên nghiệp thì gọi là stand-up comedy, còn tôi lười và là tay ngang nên tôi tự gọi là lay-down comedy – nằm viết, ngồi viết). Cái đầu hay nghĩ linh tinh nên càng phải viết để lưu lại cho ngàn đời sau. Thủ nghĩ xem, ngàn đời sau ai đó lục internet và đọc được những gì tôi biết và thốt lên “What the fuck is this rubbish”, thật là phấn khích.

Từ chuyện không giỏi văn : chỉ mỗi năm tiểu học thì tôi còn kiếm được điểm văn cao cao một chút : văn tả cảnh, câu đơn, đầy đủ chủ ngữ vị ngữ v.v… qua trung học bắt đầu tay viết cùi đi : chữ cũng chỉ ở mức rõ dễ đọc chứ không đẹp, còn câu cú thì lủng củng, trình bày thì lan man lạc đề. Nhưng không sao, không hề nao núng, xông vào đại học không ai có thể chấm điểm văn của tôi nữa, cũng chẳng ai gò phải viết thế này thế kia mới được nữa, cùng với Yahoo360, WordPress và FB notes, tôi có thể viết tẹt ga, dở kệ, chỉ để thỏa cái sự muốn viết. Luận tinh tinh có, cảm xúc có, phim hay có, sách dở cũng có.

Cho đến chuyện viết gì : khi tuổi trẻ (tôi lúc đấy) “xông” vào đại học và sau đó là “xông” vào đi làm kiếm xèng lính mới tò te, cuộc sống đổi khác làm đề tài viết khá là nhiều, thông tin nhiều hơn, bạn bè ở khắp bao miền nhiều hơn, cảm thấy cuộc đời bất công hơn, bố mẹ cũng không sát nách rửa chén giặt đồ nấu ăn chở đi học cho nữa v.v… Nữa là lúc đấy tôi có cảm giác xã hội có nhiều thời gian hơn bây giờ (nhưng rõ ràng là không đúng lắm, vì ngày vẫn 24 tiếng và một năm vẫn nhiêu đó ngày kia mà, vũ trụ có giãn nở chắc không kéo ngày ngắn đi chứ?). Trước, người ta có nhiều thời gian để đọc sách, forum, mấy bài phân tích hướng dẫn, truyện tranh nhiều kì hơn. Rồi cả hồi đó học cái gì cũng mua sách về cả bộ gần 5 6 cuốn chỉ để học một cái mình chả bao giờ dùng (tôi có mua bộ C# về trang trí tủ sách, hồi đó dọc được hết intro thì mở truyện tranh ra đọc vui hơn). Học kiểu đọc, ghi chép ấy nó đòi hỏi phải tưởng tượng một chút, suy nghĩ một chút. Về sau này cái gì nó cũng ngắn gọn đi, course thì video (tiện thật), Python thì package sẵn hết cả, Photoshop thì preset đầy rẫy, thậm chí điện thoại kéo vài cái thanh vớ vỉn cũng tẩy nám văng tận bên kia quả đất. Youtube cũng toàn video ngắn bớt đi, Tiktok cũng những đoạn ngăn ngắn, tôi không dám nói là những video như vậy hời hợt hay thiếu nội dung, chúng nó vẫn đem lại thông điệp gì đó, nhưng trong khoảng thời gian 1, 2 phút cực ngắn như vậy mà truyền tải được nội dung mong muốn thì mấy bạn làm video phải công nhận là giỏi : khả năng tóm tắt nội dung, nói đâu đúng đó, xúc tích v.v… những cái mà tôi không có. Xem ra đẹp trai thôi chưa đủ mà phải có thêm một cái gì đó. Người xem cũng làm biếng hơn hay sao : viết hơi dài một chút thể nào cũng comment là “dài quá không đọc” hoặc “like trước đọc sau” (rồi quên luôn). Ah mà không, không phải mọi người làm biếng, là nhiều việc quá rồi không có thời gian. Thật là đáng tiếc, vì âm mưu làm phung phí thời gian của người khác mà tôi ấp ủ đã không thành công. Chủ đề cũng khó hơn : mở mắt ra là chính trị, chiến tranh, âm mưu, showbiz, tôi chả giỏi tìm thông tin cái nào cả, viết về sách, khoa học hay phim thấy cũng không hút lắm, mà càng ngày càng thấy mình biết ít, trên mạng chuyên gia thì nhiều, nói một câu vô thưởng vô phạt là chuyên gia bay vào tư vấn miễn phí ngay, tiếc một cái là khi hỏi thêm thì chuyên gia lặn mất tăm.

Đủ lý do làm nhụt chí, chả biết sự thật nó như thế, hay là thêm tuổi thì tánh xấu đi, lười hơn, hay bàn lui hơn không nữa.

Nhưng vậy không có nghĩa là ngưng viết.
Hóa ra tôi viết cũng có người đọc, không phải khán giả đông nghịt nhưng cũng là những bạn đọc tích cực (phải dừng ngang xin lỗi các bạn đọc là viết 1 bài/năm thì xứng đáng bị quăng vào sọt rác). Hồi trước có một bài viết về chuyện tôi đọc sách như thế nào, có feedback từ một bạn tôi chả quen chả biết, chỉ biết là bạn ấy thích, và cũng nhờ tôi mà bạn đấy tìm ra một mớ đầu sách để đọc, cho việc học toán của bạn ấy và chuyện giải trí nói chung. Hay là cái bài viết về Sherlock mà có một bạn mình rất quý đã nhắn tin riêng cho mình cảm ơn (có gì đâu cảm ơn nhỉ, mình phải cảm ơn bạn kia). Hay là một em đột nhiên nhắn tin qua hỏi dạo này còn viết không; có chứ vẫn viết, mấy bản nháp chắc lên cả nghìn (thật đấy), nhưng FB remove note với cả ít thời gian đi nên viết được một chút thì lại đứt mạch mất tiêu. Viết linh tinh thôi mà cũng có người đọc, xem ra mình siêu. Đồ là nếu mình chuyển qua viết nghiêm túc, thì.. sao cũng không biết nữa, chắc chả còn ai (đùa thôi, mình sẽ nhắn tin cho mẹ bắt mẹ like).

Tôi thích những người viết blog. Với tôi, những người nói hay là giỏi, những người viết (chưa cần giỏi) thì lại càng tuyệt vời hơn. Khi giấy trắng mực đen, người ta phải suy nghĩ nhiều hơn, chữ nghĩa phải chuẩn hơn và giải thích phải rõ ràng hơn. Những cái ấy đòi hỏi một trình độ nhất định, không phải ai cũng làm được. Muốn viết thì phải biết, muốn biết thì phải đọc, phải xem, phải suy ngẫm. Khi nguyên liệu đã đủ, cộng thêm một tí kinh nghiệm và khả năng trình bày là có thể mần được một cái gì đó rồi. Khả năng trình bày là một trong những khả năng mềm mà tôi thấy rất quan trọng, hồi xưa đi dạy mấy em sinh viên ĐH hay về sau này hướng dẫn mấy cô cậu master, tôi thấy các bạn hay quá tập trung vào chuyên môn mà quên mất việc quan trọng nhất là phải truyền đạt được nội dung cho người nghe. Viết là một trong những cách rèn luyện kỹ năng này (bên cạnh vẽ và chơi nhạc, và nhiều công cụ khác nữa, nhan sắc chẳng hạn, hô hô lại linh tinh). Khi khả năng truyền đạt được cải thiện, nó tốt cho việc giao tiếp, và cả giáo dục nữa (hãy nghĩ về những cuộc đối thoại giữa bố và con : “Tại sao nó lại như thế?” / “Tại vì bố muốn như thế?”). Càng hiểu biết nhiều, bạn sẽ càng thấy mình ngu đi, hay quá.

Xem ra khi lớn lên, thì thời gian rảnh rỗi lại ít đi. Vậy nên tranh thủ được lúc nào hay lúc nấy. Chứ chờ đến lúc “từ từ khi nào rảnh rồi viết”, thì hơi khoai.

Thu vàng

Chưa mùa thu nhưng tôi đã muốn viết về mùa thu.

Mùa hè nắng nóng nên ngày làm việc không hiệu quả lắm, phải lôi việc ra làm ban đêm. Mà ngồi ban đêm thì hay nghĩ miên man.
Thời gian nó qua nhanh thật ấy, thoáng phát mùa hè đã gần xong và tôi nhớ cảm giác đón mùa thu của các năm trước đến cứ như mới của ngày hôm qua. Chúng đồng nghiệp còn dám mở miệng đùa giỡn về Noel rồi cơ, từ từ thôi các bạn ợ, hãy để cho đứa Việt Nam như tui đón Trung Thu đã (có thật là đón Trung Thu không, không ai biết, không ai quan tâm), còn các bạn hãy đón Halloween, sau đó chúng ta từ từ nói chuyện về cuối năm.

Tôi thích màu xanh dương đậm và màu đen ngay từ lúc sinh ra (¹), nhưng sau này tôi phát hiện ra tôi thích cả cái màu cam cam vàng vàng của lá mùa thu khi chúng nó chưa bị mưa dập cho ướt, tôi cũng thích cả cái màu xanh xanh của nước hồ mùa thu, kiểu khe khẽ ít động đậy nhìn xa cứ tưởng là gương, lại gần thì lại sợ nó như gương thật lại thấy cái bản mặt của mình quá chói mắt. Mùa thu là combo của hai màu này, nên đi trong mùa thu thiệt là dễ chịu, với cả trời chưa kịp lạnh, còn cái nóng thì đã là của ngày hôm qua.

Nhạc của mùa thu cũng hay, tôi không thích mấy bài chia tay chia chân sầu não, tôi thích cái từ melancholy của tiếng Anh, có một ông đã định nghĩa melancholy là sad happiness hay happiness of sadness gì gì đấy, thiệt là đúng. Còn Google dịch melancholy là U sầu thiệt đúng chất Google. Nghe nhạc mùa thu mà gạch bỏ đi mấy từ chia tay, yêu v.v… thì lại thấy melancholy. Thu vàng của Cung Tiến này. Bạn mà bị hơi hơi hơi hơi hơi trầm cảm nữa thì mùa thu thật là toẹt, buồn nát dis ấy (nghiêm túc mà nói thì trầm cảm là moọt vấn nạn đương thời nên đùa đến đấy thôi).

Mùa thu cũng là một cái cách thiên nhiên nhắc con người rằng ông trời vẫn còn nhẹ nhàng với thế giới lắm, chả nóng bể óc chả lạnh teo trym, cũng chả có phấn hoa hay mưa nhiều. Bạn càm ràm gì về mùa thu kệ bạn. Cái thời điểm giao mùa ngay trước và ngay sau mùa hè thật là hay, một bên là lá xanh rực rỡ, một bên là vàng um cả một góc trời.

Mùa thu nó cũng kích cái biệt tài của tôi, đó là lười biếng. Bình thường vào một thời điểm bất kỳ trong năm tôi đã lười rồi, nhưng mùa thu nó lên đỉnh điểm ấy. Chả ai lại đi cày cuốc như điên giữa tiết trời mát mẻ và xung quanh thì cứ cam cam vàng vàng xanh xanh trong veo cả (*nhìn quanh thấy ai cũng đang hối hả làm, im*). Và ngay lúc này đây cái biệt tài đó nó lại kích lên. Tắt máy.

(¹) Chắc vậy.

Sức mạnh của lỗ dis

Vui vui cơ thể người

Nay có gặp một câu hỏi như thế này :

Tại sao lỗ dis bị trầy nhưng đi ị không bị nhiễm trùng, nhưng nếu lấy shit bôi vào bất kì chỗ trầy xước nào trên cơ thể sẽ bị nhiễm trùng.

Trả lời thế này :

Các mô xung quanh lỗ dis và trực tràng có khả năng chống nhiễm trùng tốt hơn nhiều so với những vùng da khác trên cơ thể. Khả năng lây lan và nhiễm trùng thấp hơn rất rất nhiều so với những vùng da khác. Vậy nên những vết trầy xước hay phẫu thuật ở lỗ dis việc xử lý vết thương đơn giản hơn những chỗ khác.

Hỏi tiếp : nếu mấy mô này hiệu quả như vậy tại sao nó không phát triển ra toàn cơ thể nhỉ?

Trả lời tiếp : không cần thiết, với lại chẳng ai muốn mình nhìn giống cái lỗ dis cả.

Bài học hôm nay đến đây là hết, chúc mừng bạn đã biết thêm về sức mạnh của lỗ dis.

Checklist khi thiết kế công trình

Trước khi đi vào tính toán một công trình, cần kiểm tra xem có đủ dữ liệu để tính toán hay chưa. Dưới đây là một list cần kiểm tra trước khi bắt đầu công việc :

+ Mô tả công trình / mục đích sử dụng công trình:
Công trình là nhà ở, hay travaux publics, hay ouvrages d’art … bởi vì mỗi công trình sẽ có một quy chuẩn, yêu cầu khác nhau …

+ Mong muốn của client :
Những quy chuẩn chung có thể được chỉnh lại một chút dựa theo yêu cầu của khách hàng (hoặc có khi khách hàng đã tự tính toán rồi nên không cần phải làm double công việc nữa)

+ Điều kiện công trường :
Công trường có bị vướng nhà dân hay đường ray xe lửa không? Công trình có bị ngập nước không? V.v..

+ Tải trọng

+ Hình học của công trình : khung, hay là dầm? Dalle hay là mur de soutènement?

+ Vật liệu : beton và thép cường độ khác nhau sẽ ảnh hướng rất nhiều đến các chi tiết tính toán sau này. Một vật liệu khác như gỗ, thép cũng thay đổi hoàn toàn ứng xử của công trình.

+ Điều kiện biên : công trình gối tựa đơn, hay là ngàm, nền móng có độ cứng bao nhiêu, móng đơn hay móng cọc hay móng bè v.v.. tất cả những chi tiết này sẽ ảnh hướng tới định nghĩa của mô hình tính toán cũng như ứng xử của mô hình. Công thức cho các điều kiện biên khác nhau cũng sẽ khác nhau.

+ Độ bền công trình (durability)

+ Công trình có hoạt động chống hoả không ?

+ Performance của công trình: biến dạng, độ võng, rung động v.v…

+ Ảnh hưởng của những công trình phụ lên công trình chính

+ Điều kiện móng và đất

+ Linh tinh khác…

Một số công cụ Office có sẵn có thể bạn chưa biết – phần 1

Tôi viết bài này từ kinh nghiệm của bản thân sau gần 10 năm nghiên cứu khoa học và hơn 1 năm làm trong industry, với mục đích cung cấp thông tin về những công cụ giúp tôi khi làm việc; tôi cũng sẽ nói luôn từ sinh viên, lên nghiên cứu sinh, rồi post doc, rồi kĩ sư, cái quan niệm về công cụ nó thay đổi như thế nào. Tôi sẽ nói về những option trả phí, những option tính phí và những option pirate. Và thỉnh thoảng tôi sẽ nói về những gì người ta cần, và làm sao để sống tốt với người ta để tồn tại lâu theo thuyết của Darwin.

Soạn văn bản – LaTeX hay Word:

Trong giới academic, thể nào bạn cũng đã/sẽ nghe qua LaTeX, sinh viên gần đây được các bạn thầy/cô chỉ bảo và bắt ép cũng dùng LaTeX thường xuyên hơn. Còn Microsoft Word thì một người dùng máy tính phổ thông tôi nghĩ chắc ai cũng biết. Còn một vài ứng viên khác như MathCad, LibreOffice, ASCIIDoc, Markdown… nhưng những cái này số ít và hơi đặc thù, tôi chỉ nói về hai ứng viên nổi tiếng nhất.

Như khá nhiều dân nghiên cứu và viết về Toán Lý… khi dùng LaTeX phải nói là tôi thấy tiện; file văn bản xuất ra đẹp như li như lau, căn lề đặt trang chỉnh chu nếu bạn không muốn sửa gì thêm. Bên cạnh đó, công thức toán và reference của LaTeX rất mượt. LaTeX nhìn qua sẽ ngại học nhưng biết sơ sơ rồi thì viết article (chẳng cần học nhiều, template có sẵn, một số tạp san họ còn có file mẫu bắt người ta dùng theo, phiền toái cũng ở chỗ đó), làm beamer để thuyết trình, viết sheet nhạc, technical note không vấn đề gì v.v… Nói chung là đẹp, nhanh (?), công thức toán tốt và reference quản lý dễ dàng. Tikz cũng không đến nỗi nào nhưng đó là mấy cậu maniac dư thời gian, công cụ vẽ tôi sẽ nói sau.

Nhưng tôi sẽ không vì LaTeX mà chê Word, mấy bạn dùng LaTeX mà chê Word là mấy bạn ngồi trong giếng. Word quá phổ biến nên ai cũng ít nhất một lần dùng qua, và vì nó là WYSIWYG, ai cũng tưởng nó dễ dùng và cứ nghĩ mình master nó rồi. Không đúng. Những điểm mạnh của LaTeX như công thức toán và reference, LaTeX vẫn mạnh hơn (ý kiến chủ quan), nhưng Word không thua kém, thậm chí còn tiện hơn nhiều, Word 365 gần đây còn cho phép gõ code LaTeX để xuất ra công thức không vấn đề gì, thích sửa chỗ nào thì bấm chỗ đấy gõ 2 3 phím là xong, đặc biệt sau khi bạn biết phím tắt Alt + =. Tiếp, về reference, công cụ reference chuẩn của Word không đến nỗi nào, nhưng tôi khuyên dùng Zotero : miễn phí, citation đưa vào Word nhẹ nhàng và Bibliography bấm 1 nút là tự động cập nhật. Chưa kể Word còn có nhiều plugin (trả phí) khác như MathType hoặc AxMath. MathType sau khi chuyển về mô hình trả tiền hàng năm để dùng thì rất shit (MathType is shit since its subscription model). Tôi khuyên dùng AxMath, 15$, ngay cả bản free cũng đủ dùng (tôi cứ tưởng là dùng thử sau đó sẽ không dùng được nữa nhưng tôi vẫn dùng bản free trên laptop cá nhân tới tận bây giờ, gần nửa năm , không vấn đề gì).

Có một điểm tôi nghĩ phiền đó là hình ảnh trong Word nếu cho vào không khéo thì sắp xếp chữ trong văn bản dễ tiêu luôn, không như LaTeX begin{figure} phát là xong, để nó tự compile. Nhưng lí do này không phải do Word mà là vì lí do tôi đã nói ở trên, thường đến từ những người nghĩ họ biết Word nhưng thực ra không biết gì về Word. Một điểm khác về công thức là LaTeX đặt label công thức và cross reference tiện hơn Word nhiều.

Ngay cả khi đang trong giới academic, chưa cần ra ngoài đời, tôi đã thấy LaTeX bất tiện, từ khi Overleaf (trước đó có ShareLaTex và Overleaf là hai dịch vụ song song) có việc collab thì viết LaTeX đồng tác giả nó mới dễ hơn một chút, nhưng so với Word thì thua xa. Công cụ review trong Word là bất khả chiến bại, LaTeX có package để bắt chước trò này nhưng chỉ làm rối tinh sự vụ thêm. Giải pháp tôi thời đó hay làm với mấy công giáo là các ông ấy in ra; ghi vẽ chi chít lên rồi scan lại cho tôi; hoặc “thời thượng” hơn chút thì annotate trên PDF, rồi tôi phải dò từng dùng trong PDF để sửa file tex. Nếu là Word, tôi bấm accept review và file được cập nhật ngay. Sau này làm với một cậu trẻ hơn vài tuổi, chúng tôi dùng Overleaf, ban đầu tưởng dễ, sau một vài lần làm song song thì file conflict loạn cả lên, thế là mỗi lần vào Overleaf thấy cậu ý online thì tôi đi làm ly cà phê cho cậu ấy yên tâm không bị lỗi chấm than đầy màn hình.
Submit báo bằng Word cũng dễ thở hơn LaTeX, tôi gửi file Word một phát là các bạn editor im im làm không thấy hỏi han gì. Còn tôi mà submit LaTeX thì ôi thôi, hơn nửa thời gian là tìm cách để cái file nó compile được ra PDF đàng hoàng một chút, tốn thời gian vô cùng. Lúc đó tôi mới biết, trừ khi dùng một template tầm thường thì LaTeX đâu cũng xài được; nếu bạn hí hoáy với style hay package, đưa qua máy khác nó sẽ ì ạch một chút, thậm chí là PDF ra loạn xì xà ngầu lên hết.

Ra industry, không ai dùng LaTeX. Chấm hết. Tốn thời gian, file collab tệ, nhiều lúc khách hàng đòi thêm cái logo vào chỗ này chỗ kia… Word Copy paste phát là xong, LaTeX lại phải nà ní nà ná một hồi từ folder Figure rồi code dẫn rồi lại [H] hay [h]… Một file trên 200 nhiều citations thì LaTeX có thể được nhắc đến; nhưng một tài liệu gần 100 trang thì Word, Word, Word.

Tôi thấy các bạn thầy cô bắt sinh viên dùng LaTeX là hơi thiếu thực tế, khi tôi còn dạy lũ Master, tôi bảo Word hay LaTeX gì thì tùy tụi mày, miễn tao có cái để coi là được. Muốn tụi trẻ dùng LaTeX thì hãy khuyến khích tụi nó bằng cách cho điểm bonus chẳng hạn. Đừng ép buộc, không hạnh phúc. Ngay cả lí do tiền cũng không phải; vì sinh viên các trường đại học lớn sau này được ưu đãi rất nhiều về các phần mềm Office (miễn phí hoặc rất rẻ); những nước đang phát triển tạm quên mất sinh viên thì sinh viên tự tìm bản crack mà dùng…

Đang viết thì thấy 2 rưỡi sáng. Chắc phải đi ngủ. Hẹn mọi người tập sau.

I hope you are doing well

Hello stranger, whoever happens to read this post.

Nothing special, just after COVID (we’re still having it, but not so panic as before) and some stupid things about war and global warming and pollution here and there, our lives are not the same anymore. For me too, beside those things, my wife and me welcomed our first born last year, a cheerful boy, I love him. I realize life has many hidden gems which can be considered an endless adventure for a human.

I’m still playing games, playing my guitar, singing Oasis, doodling, and focusing on my job to earn money for my living.

I’m writing this just to wish you a happy life, courage and luck for whatever you are doing or planning to do.

Me, another random stranger.

October – Wake me up, breast cancer awareness month, rain and waiting for November.

I’ve just had a brief look at Facebook and realized that we’re in October already. The WHO page remind us that this is the month of breast cancer awareness (I’m always mistaken the logo of this thing). I remember reading the book “Breasts” Florence Williams, haven’t finished it yet, but it already gave me a fairly good amount of knowledge about women’s body, from a man’s point of view. Maybe I should have bought the book “Mon vagin, ma vie” (in french) as well when I had chance at the bookstore last September. I look at my body sometimes and I must say that nature has such a way to build things. It’s so hard for us men to understand the women’s body, therefore I’m grateful to those mentioned books, that allow me to understand better my wife, or other half of the world in general.

The rain comes more often, this month always make me want to listen some old songs like “I’ll take the rain” and “Rain and tears”, it must be a seasonal thing. Also, it’s time to listen “Wake me up when September ends” less often, to start waiting for “November rain”. Maybe.

Autumn is an awesome season, my most favorite season of the year.

[Đọc sách] Một cần câu của Trần Thanh Địch

Ban đầu viết tính để tag là đọc sách cũ, nhưng chữ cũ ở đây không có ý nghĩa lắm nên tôi dùng Đọc sách cho nó gọn, còn giá trị của cuốn sách vẫn y nguyên.

Nếu được chọn ra một trong những cuốn sách cho tôi cảm giác gần gũi quê nhà, rất “Việt Nam”, chắc tôi sẽ liệt Một cần câu vào trong số đó. Sách được viết năm 1994 (gần 30 năm rồi má ơi), được giải khuyến khích trong cuộc thi “Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước”. Một trong những tác phẩm cũng được giải trong cuộc thi này là Truyện cổ tích của vườn (Nguyễn Thị Bích Nga), cũng hay nhưng có nhiều chuyện buồn ở trong hơn, chắc các bạn đã từng nghe qua. Hồi xưa mình đọc bản giấy bản cỡ hộ chiếu, dày tầm lóng tay, vừa vặn nhét gối đầu giường, không to như Tobie Lolness thay luôn cả gối.

Một cần câu là một tác phẩm thuần về chuyện câu cá, miền quê có, thành thị có. Bên cạnh chuyện đi câu cá, Trần Thanh Địch còn khéo léo thêm vào những hình ảnh gia đình Việt Nam, những mối quan hệ mẹ con cậu dì gần gũi, và kể cả những số phận bất hạnh nhưng biết vượt qua khó khăn. Nói chung là đầy đủ trải nghiệm cho thiếu nhi, không ngạc nhiên khi đạt giải A văn học thiếu nhi (tôi mới biết Một cần câu đạt giải này khi tìm lại bản sách điện tử). Tác phẩm cho bạn đọc có những kiến thức mà trường học không dạy, cuộc sống hiện đại cũng chả có. Ví dụ như dùng cám rang để dụ cá ngạnh, hay dùng chỉ cột ốc để câu tôm tít, hay dùng vịt và nhái để câu cá lóc, hay câu cá mè bằng câu chùm. Mấy bạn ở nhà ruộng vườn thì biết những chuyện này, còn mấy bạn ở phố thị thì đố mà biết, với các bạn nó như là một thế giới kì diệu hay ho để mà đắm mình vào, thế giới mà trò chơi điện tử hay mạng xã hội internet không thể nào mang lại được. Văn của Trần Thanh Địch cũng không phải kiểu trau chuốt ảo diệu, cũng không phải bi sầu thảm não, cũng không gay cấn rùng rợn đến xiêu lòng. Văn của ông mộc, đọc Một cần câu cứ có cảm giác như rúc đầu vào ụ rơm, như mặc mỗi quần đùi mà đằm mình xuống suối mát. Một cần câu được chia thành nhiều truyện nhỏ, đọc một chút rồi hôm sau đọc tiếp tốt. Mình thì mỗi lần đọc là làm một mạch hết cuốn luôn.

Những bạn tree hugger hay những bạn thích giải cứu thế giới có thể sẽ không thích Một cần câu. Nhưng đó là một phần của Việt Nam, của những miền quê, của những giai đoạn khắc khổ nhưng hạnh phúc mà bố mẹ ông bà đã từng trải qua.

Ngoài Truyện cổ tích của vườn đã đề cập ở trên, một số truyện tương tự như Năm đêm với bé Su, Nhạc giữa trời đọc cũng thú vị không kém.